Nhất Anh nhì Tin tam Kinh tứ Luật một thời
Nhất Anh nhì Tin tam Kinh tứ Luật một thời
Kỷ vật của một thời tuổi trẻ, mà có lẽ những hot boy và hot girl 6x, 7x và cả 8x đời đầu sẽ bồi hồi khi nhìn lại tấm chứng chỉ huyền thoại này:):):) Thời đó dân tỉnh lẻ như mình, lên lớp 10 mới được học tiếng Anh hệ 3 năm, còn dân không phải tỉnh lẻ thì phần lớn phải học tiếng Nga chứ không phải tiếng Anh:):):) Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa làm ăn với Tây, thì người ta mới nhận ra tiếng Anh quan trọng hơn tiếng Nga:):):) Những năm mình thi đại học, câu châm ngôn truyền thống “Nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa” bị cạnh tranh bởi câu “Nhất Anh nhì Tin tam Kinh tứ Luật:):):) Vô Bách Khoa, mình được xếp vào lớp HC6, là cái lớp hỗn hợp tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, và đến giờ ngoại ngữ thì phải chia lớp:):):) Nhóm mình học chung với mấy bạn Mỹ thuật Công nghiệp, và cô giáo tiếng Anh đầu tiên của mình ở Bách Khoa là cô Trân, mà hơn 20 năm trôi qua cô vẫn nhớ tên 2 sinh viên hay phát biểu trong lớp là bạn Mai và mình:):):)
Biết thân biết phận dân tỉnh lẻ học ngoại ngữ hệ 3 năm, nên việc học ở Bách Khoa vừa tạm ổn định là mình mua sách tiếng Anh về luyện, ôi cái bộ sách Streamline huyền thoại một thời:):):) Thời đó mình chưa có khái niệm gì về TOEFL, IELTS hay TOEIC, chỉ cố gắng luyện Streamline để thi lấy bằng B và bằng C:):):) Không có nhiều tiền để đóng học phí các khóa, nên thường thì đóng học phí 1 vài khóa, học chui 1 vài khóa, ở nhà tự học 1 vài khóa:):):) Nhớ sao là nhớ những tối đi bộ từ KTX Bách Khoa, dọc theo đường Nguyễn Kim, sang trung tâm tiếng Anh của Đại học Sư Phạm ở Trường cấp 3 Hùng Vương:):):) Còn nhớ một cô giáo của Sư Phạm, cô giới thiệu tên là “green bamboo”, một lúc sau mình mới nghĩ ra tên cô là Thanh Trúc:):):) Cô hát hay đàn giỏi, có lần cô còn cao hứng hát tặng lớp bài Nắng thủy tinh của NS Trịnh Công Sơn:):):) Lớp mua tặng cô xấp vải may áo dài dịp 20/11, cô lại thiết kế may thành cái áo đầm:):):)
Mình còn có 1 học kỳ theo học lớp buổi tối của chương trình cử nhân tiếng Anh do Đại học Ngoại ngữ Sư phạm Hà Nội tổ chức tại một cơ sở đường Võ Văn Tần:):):) Thầy giáo của mình lúc đó có cái tên rất ấn tượng là Phạm Vũ Lửa Hạ, chắc thầy sinh ra vào mùa hè đỏ lửa, sau này thầy ra nước ngoài định cư luôn, 20 năm sau mới gặp lại thầy qua facebook và qua một số bài viết trên báo Tuổi trẻ cuối tuần:):):) Học cử nhân được 1 thời gian, phần vì học phí cao, phần vì mình thấy phải học thêm nhiều thứ không thật sự cần thiết, nên mình nghỉ học và trở lại với bộ sách Streamline huyền thoại:):):) Hồi đó, có dịp nghe anh em Lê Trí Thông & Lê Diệp Kiều Trang nói tiếng Anh như gió, mình thật ngưỡng mộ, ao ước một ngày nào đó mình có thể nói tiếng Anh lưu loát như họ:):):) Nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều anh chị lớn tuổi trong lớp, do bắt đầu học tiếng Anh khi tuổi đời đã chồng chất nên họ vất vả hơn mình bội phần, nhưng mà vì yêu cầu của công việc nên cũng phải tối tối đến lớp như mình:):):)
Lúc làm luận văn với sư phụ Vương Ngọc Chính, nhớ những ngày lê lết ở Thư viện Quốc gia đường Lý Tự Trọng, ôm chục cuốn Chemical abstract ra tìm tài liệu để làm nghiên cứu, lúc đó lại càng ao ước mình giỏi tiếng Anh, để bớt vất vả hơn:):):) Nhớ có lần chạy vội ra quán cơm gần đó, thấy Hoa hậu Hà Kiều Anh mặc váy ngắn đi ngang qua quán cơm, nghe mấy anh trong quán khen Hoa hậu có body ngon quá:):):) Sư phụ mình nhìn xa trông rộng, lúc mình mới bắt đầu làm luận văn đại học, sư phụ đã bảo rằng sau này lấy bằng tiến sỹ xong con phải cần thêm vài năm kinh nghiệm làm postdoc nữa, lúc đó mình cũng không hiểu lắm:):):) Sư phụ kêu mình để dành tiền để đi học TOEFL, nhưng phải chờ đến sau khi tốt nghiệp, mình mới có đủ tiền để đi luyện TOEFL ở Trường Anh ngữ Quốc tế ở đường Nguyễn Văn Cừ, học hết lớp 550 thì phải nghỉ vì không đủ người học để mở lớp 600:):):) Sau này mình đi nước ngoài về thì trường này cũng không còn nữa:):):)
Năm 2000 thi NCS 322 đợt đầu tiên, cả nước có 81 thí sinh thi, nhưng chỉ có 27 người đậu, chủ yếu rơi là không đủ TOEFL 550 do SEAMEO tổ chức:):):) Tạ ơn trời đất, mình được 556 điểm, mặc dù đó chỉ là Institutional thôi, nhưng Sheffield university chấp nhận sau khi xem CV của mình, vậy là mình có cơ hội đến England:):):) Qua England, mình mới thấy biết ơn thầy Tín, giảng viên của lớp luyện nói tiếng Anh ở Nhà văn hóa Lao Động mà mình có theo học vài khóa, đã làm cho mình tự tin hơn khi nói tiếng Anh:):):) Dù vậy, 3 tháng đầu tiên ở England, vào lớp nghe thầy giảng bài, mình không hiểu thầy đang nói gì nữa:):):) Lúc đó, buổi tối cũng ôm sách đi học thêm các lớp tiếng Anh miễn phí dành cho international students, chủ nhật thì đến nhà thờ để được sửa cách phát âm:):):) Các buổi tối thì theo series phim truyền hình Holby City, Casualty để vui buồn theo chuyện đời chuyện nghề của các Y Bác sỹ mà luyện nghe tiếng Anh:):):)
Vài dòng viết vội cho một kỷ vật ngày xưa, chứng chỉ này giờ đã không còn giá trị, nhưng vẫn lưu dấu những kỷ niệm khó quên của một thời hoa mộng, mà có lẽ cũng không phải của riêng mình …
Nguồn: Nam Phan