Trung tâm gia sư Olympia
gia su day kem

Tâm sự về áp lực học hành

Tâm sự về áp lực học hành

Tâm sự về áp lực học hành

Home » gia sư tphcm » Tâm sự về áp lực học hành

Áp lực thành tích học tập

Ép con học có lẽ cũng vì thương con, thế nhưng, như vậy có phải là đúng cách?


Xin chia sẻ câu chuyện về học hành của gia đình tôi để chúng ta cùng có thể giao lưu, tham vấn lẫn nhau.


Bé đang học lớp 5, là cậu bé rất mê học, mê học hơn mê chơi. Đối với tôi, đó chắc chắn là một niềm vui, nhưng cũng không hẳn là điều hoàn toàn đáng để yên tâm. Cháu hay xin vợ chồng tôi học gia sư môn này, môn kia, tự đặt mục tiêu phải học và nói được ít nhất 5 thứ tiếng (hiện tại, ngoài tiếng Anh thì cháu đang học tiếng Pháp). Tất nhiên, là ý thích, là niềm vui thực sự của con thì chúng tôi rất ủng hộ, nhưng là cha mẹ, chúng tôi cũng phải cố gắng cân bằng, đôi khi phải gạt bớt học để "bắt ép" con chơi. Con chẳng thích môn thể thao nào, đối với tôi thì điều này là thực sự đáng thất vọng, nhưng tôi cố gắng không cho con thấy điều ấy (tôi đã thử cho con chơi nhiều môn nhưng cháu vẫn không thích), chỉ thấy con có vẻ thích bơi, chúng tôi khuyến khích con bơi mỗi tuần mấy buổi. 


Con chuẩn bị lên cấp 2, vì thích học, khi nghe nói trường Trần Đại Nghĩa là trường cấp 2 giỏi nhất Sài Gòn, con xin bố mẹ dự thi. Tôi phân tích cùng cháu, rằng bố thấy trường đó xa nhà, con đi học sẽ rất bất tiện và mất sức cho cả con và bố mẹ. Ngoài ra, ở đó, sức ép học hành là rất lớn, bố không muốn con bị sức ép trong chuyện học hành, bố muốn con chơi nhiều hơn. Nếu con muốn học theo chương trình Việt Nam thì con nên dự tuyển vào trường Đinh Thiện Lý, ngay gần nhà, bố cũng đã thăm quan trường, học hành tốt mà các hoạt động ngoại khoá cũng rất hay (cũng may là bé rất mê các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt đội nhóm...). Con nghe có vẻ thấy có lý nên cũng gật gù.


Thật ra, tôi thậm chí còn khuyến khích, năn nỉ con nghỉ học ở một vài thời điểm không quan trọng để đi du lịch cùng bố mẹ. Tôi tin, học ở ngoài đường cũng quan trọng không thua ở trường.


Là một người đã từng có một thành viên trong họ hàng phát điên, phát điên đúng nghĩa vì áp lực học hành, tôi rất sợ những sức ép từ việc học. Cá nhân tôi, từ năm lớp 7, lớp 8 đã tự hỏi, tại sao chúng tôi phải học thêm những môn mà đối với tôi là thừa thãi như Toán, Lý, Hoá. Những quan tâm của tôi chỉ là Văn, Sử, Địa, Anh văn. Thú thật là kể từ cuối cấp 2, tôi đã hoàn toàn không quan tâm đến những môn tự nhiên này, tôi chỉ học cho có và hầu như chẳng hiểu gì, chẳng có chút kiến thức gì cho đến hết cấp 3. Đến giờ này, trong những giấc mơ ám ảnh nhất của mình, tôi vẫn thấy lởn vởn đâu đó gương mặt của những thầy cô dạy mấy môn này, đặc biệt là môn Hoá. Những ký ức đẹp nhất là những giờ học Văn và Anh văn. Tôi cũng chẳng nhớ rõ vì sao mình có thể hoàn thành trót lọt kỳ Tốt nghiệp cấp 3, thậm chí, khi thử dự thì Đại Học (cho có cảm giác thì ĐH thôi, vì lúc đó tôi đã học nhạc chuyên nghiệp được 4-5 năm và đã xác định theo âm nhạc rồi), tôi còn đủ điểm đậu khoa Đông phương học của một trường Đại Học.


Xin kể thêm câu chuyện về những đứa trẻ châu Á ở Mỹ mà tôi được nghe, đặc biệt là những bạn gốc Trung Quốc hay Việt Nam. Những bạn này học rất giỏi, nếu đã từng đi học ở nước mình trước khi đến Mỹ, các bạn ấy còn thực sự xuất sắc hơn các bạn bản địa rất nhiều lần. Thế nhưng, chính những anh chị người gốc Việt bạn tôi ở Mỹ ấy phải thừa nhận rằng, khi học cao hơn rồi đi ra đời, dân gốc châu Á thế hệ 2-3 thường có học vấn, làm bác sĩ, kỹ sư nhiều, tuy nhiên, đi xa hơn, nắm những vị trí quan trọng hơn trong xã hội, hầu hết vẫn là người Mỹ da trắng, thậm chí, rất nhiều tỷ phú Mỹ là những cô cậu sinh viên đã bỏ học để làm những điều mình thực sự muốn.

Thực trạng của áp lực học tập
Nói ra điều này không phải để tự ti rằng chúng ta không thông minh bằng họ, học giỏi chắc chắn phải thông minh rồi. Nhưng điều cần nhìn thấy, đối với tôi, cũng như nhiều anh chị đồng quan điểm, đó là lối tư duy của họ khác, và họ quan trọng lối tư duy và sự độc lập trong suy nghĩ hơn điểm số. Và tôi nghĩ, điều này là đáng học tập, dạy con cách tư duy quan trọng hơn kiến thức.


Tôi luôn tin rằng, ép con học giỏi không mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, điểm số đẹp không nói lên nhiều điều.


Có bao giờ chúng ta tự hỏi, chúng ta muốn con mình thành công thực sự, hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hay chỉ ép chúng học vì sợ chúng thua kém bạn bè. Chúng ta có bao giờ hỏi con đi học có vui không, hay chỉ hỏi con học được mấy điểm?


Tôi hay nói với con rằng, kiến thức có thể bồi đắp và thay đổi mỗi ngày, đôi khi một cái Ipad cũng có thể giúp ta tìm kiếm được thông tin mình muốn. Nhưng để sử dụng cái Ipad thật hữu dụng thì cần một tư duy thông minh và đúng đắn.


Và một điều cơ bản nữa, mỗi đứa trẻ sinh ra đều rất khác nhau, mỗi đứa sẽ có những điểm yếu và mạnh khác nhau, nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ nhận thấy điều này. Vậy tại sao chúng ta lại nhất quyết dùng chung một cách giáo dục cho tất cả, chung một kỳ vọng cho tất cả?! Thực tế đã chứng mình, khi được khai thác đúng điểm mạnh của mình, ai cũng có thể thành công. Đối với suy nghĩ của tôi, làm một anh nông dân thành công tốt hơn rất nhiều một anh tiến sĩ vô dụng!


Tôi không bao giờ dám thừa nhận mình là một người thành công, nhưng tôi tin, những người thành công (và hạnh phúc) trong xã hội không hẳn là lúc nào cũng từng là những đứa trẻ học rất giỏi, điểm rất cao, mà chắc chắn phải là những người biết mình thực sự thích gì, muốn trở thành ai và quyết liệt sống với ước mơ ấy!


btn-zalo